Các bộ phận bên trong một chiếc PC

Nếu bạn đang lên kế hoạch ráp một bộ PC cho nhu cầu cá nhân, như là công việc văn phòng, thiết kế, chơi game, hay dựng phim,… thì bạn nên tham khảo các bộ phận bên trong một chiếc PC cần thiết cho nhu cầu của bạn. Điều này sẽ giúp bạn lựa chọn được cấu hình phù hợp với nhu cầu mà lại không quá phung phí tiền.

Các bộ phận bên trong PC

1. Mainboard

Mainboard hay còn gọi là bo mạch chính, là bộ phận trung tâm của chiếc PC. Đúng như tên gọi của nó, bo mạch chính đóng vai trò chính yếu, có nhiệm vụ kết nối tất cả các bộ phận, thiết bị giúp chúng đồng bộ và hoạt động được với nhau.

Mainboard có 2 dòng, AMD, và Intel để chạy 2 dòng CPU của 2 hãng trên. Tất nhiên Mainboard Intel thì không thể chạy CPU AMD được và ngược lại. Do đó, khi lựa chọn Mainboard, bạn phải xem thông số của nó để phù hợp với các bộ phận khác như là Ram, CPU,… thì mới lắp chung được. Chẳng hạn như loại CPU hỗ trợ, Socket bao nhiêu, hỗ trợ Ram gì,…

2. CPU

CPU là đầu não của chiếc máy tính, là nơi xử lý mọi tác vụ và công việc bên trong máy tính. CPU bên trong PC càng cao thì máy tính của bạn càng mạnh mẽ và xử lý được nhiều phần mềm hoặc game nặng.

Có 2 dòng CPU thuộc 2 hãng lớn nhất hiện nay là Intel và AMD. Giữa hai hãng đều có các dòng CPU tương đương nhau về tốc độ, giá thành thì AMD rẻ hơn Intel một chút.

CPU Intel được hiện nay đang phổ biến các dòng Intel Pentium, Celeron, Core i3, Core i5, Core i7, Core i9 theo thứ tự hiệu năng và bao gồm nhiều thế hệ mới nhất là thế hệ thứ 10.

CPU AMD thì được chia thành các dòng Athlon, Ryzen 3, Ryzen 5, Ryzen 7, Ryzen 9.

3. RAM

Ram là bộ nhớ tạm thời của máy tính, khi bạn đang làm việc, các tác vụ cũng như ứng dụng bạn chạy sẽ được lưu tạm trên Ram. Và bộ nhớ Ram sẽ được giải phóng về trạng thái ban đầu khi bạn Shutdown máy tính.

Bộ nhớ Ram càng lớn, thì máy tính càng xử lý được nhiều tác vụ hơn. Bạn lưu ý loại Ram và Bus Ram mà Mainboard hỗ trợ để mua cho đúng.

4. HDD – SDD

HDD hoặc SDD là 2 loại bộ nhớ lưu trữ cho máy tính, giúp bạn lưu trữ các dữ liệu cần thiết cũng như để cài đặt hệ điều hành. Trước đây, người ta thường dùng ổ cứng HDD để lưu trữ. Tuy nhiên, hiện nay đa số sẽ lựa chọn SDD thay thế, bởi vì chúng có tốc độ đọc ghi nhanh gấp hàng chục lần công nghệ HDD. Mặc dù vẫn có nhiều người lựa chọn sử dụng HDD vì có giá thành thấp hơn.

Bạn có thể lựa chọn sử dụng 1 ổ SSD dung lượng khoảng 120Gb để cài đặt hệ điều hành, và một ổ HDD có dung lượng lớn hơn nhiều để lưu trữ giữ liệu. Cài đặt hệ điều hành lên ổ cứng SSD sẽ giúp tăng đáng kể tốc độ máy tính của bạn.

Hiện nay có 3 loại ổ cứng SSD thông dụng là SSD 2.5 inch SATA III vừa bằng ổ cứng laptop, gắn ngoài thông qua dây data và dây nguồn. Một loại là SSD M2 Sata nhỏ gọn như một thanh ram có thể gắn trực tiếp lên Mainboard, giúp tiết kiệm không gian và nhẹ điện hơn. Còn một loại tương tự SSD M2 là SSD M.2 PCIE, cho tốc độ đọc cao gấp gần 10 lần so với SSD M2 Sata.

5. Card màn hình – VGA

Nếu bạn muốn ráp máy bàn phục vụ cho các nhu cầu thiết kế hình ảnh, dựng phim, chơi game nặng,… thì không thể thiếu một chiếc VGA rời. Bản thân trong CPU đã có chip xử lý hình ảnh, và trên mainboard đã có cổng cắm ra màn hình. Tuy nhiên, CPU xử lý hình ảnh không mạnh mẽ bằng các loại VGA rời.

6. Card âm thanh

Card âm thanh cần thiết với những người đam mê âm nhạc, muốn kết nối chiếc PC với những dàn âm thanh xịn, hoặc những người chuyên làm nhạc. Card âm thanh giúp xử lý âm thanh tốt hơn, chất lượng hơn.

7. Nguồn

Để các thiết bị trên hoạt động được thì không thể thiếu nguồn điện. Bạn cần một bộ nguồn máy tính để chuyển điện 220V thành nguồn điện thấp hơn. Đồng thời, nguồn máy tính được thiết kế các dây cắm phù hợp cho từng thiết bị bên trong chiếc máy tính. Công suất của nguồn phải cao hơn tổng công suất các thiết bị lắp ráp để đảm bảo máy tính hoạt động ổn định.

Các bộ phận bên trong một chiếc PC

8. Thùng Case

Thùng case là một chiếc thùng để bạn ráp tất cả các bộ phận của chiếc PC vào. Vừa giúp làm đẹp, vừa để bảo vệ các bộ phận bên trong.

9. Các thiết bị ngoại vi

Các thiết bị ngoại vi là những thiết bị giúp bạn tương tác với chiếc PC bao gồm màn hình, chuột, bàn phím là không thể thiếu. Ngoài ra tuỳ vào nhu cầu bạn sẽ cần các thiết bị khác như loa, máy in, máy scan,…

Categories: Thủ thuật máy tính

Tags: ,,

Leave A Reply

Your email address will not be published.